Lâu lắm mẹ không đan len vì nhà mình chuyển vào Nam gần 20 năm rồi. Dịp này bạn con nhận công tác biệt phái ra Bắc một thời gian, và mùa đông ngoài ấy như tràn cả vào trong này. Giá con đan được một chiếc khăn len gửi ra ngoài ấy…
Ngày xưa mẹ đan giỏi lắm mà, mẹ dạy con đan len nhé!
Đan... yêu thương |
Những con len mềm mại đủ màu sắc ở các hàng quanh chợ Bến Thành làm con mê mẩn. Cảm giác mềm mại mát rượi khi đặt tay nắn nhẹ từng búp len xinh xắn làm con muốn bắt tay đan ngay. Mẹ bảo con trai thích màu khỏe mạnh mà nhã nhặn và sang trọng. Con chọn những con len xám tro, và hình dung chiếc khăn sẽ mang hơi ấm cho ai giữa làn gió lạnh.
Đôi kim bằng nhôm, lanh canh vui tai, nhẹ bẫng và trơn bóng. Mẹ kể ngày xưa mẹ vót kim đan bằng đôi đũa tre lấy trộm của bà. Kim lơm xơm làm những tơ len nhỏ mắc vào rất khó đan. Đầu tiên là học bắt mũi đan. Con biết không, áo vừa người hay rộng hẹp là do số mũi khởi đầu. Cả chiếc khăn, chiếc áo len là bắt đầu từ những mũi đầu tiên nhỏ nhắn đơn sơ ấy.
Mũi xuống là đơn giản nhất này. Con đưa kim xuống, ngón tay trỏ vắt sợi len lên kim, nhẹ nhàng gẩy lấy sợi… Sao mọi động tác của mẹ nhẹ nhàng mà đối với con chẳng dễ. Sợi len trên ngón trỏ cứ tuột đi, con cố giữ lại thì không sao khều lên được…
Lòng bàn tay ướt nhẹp mồ hôi. Hai cây kim đan không nhẹ nhàng trơn bóng nữa, nó cọ vào nhau khó chịu, rít lên ken két, kẹt chặt khăng khăng rồi bung một cái, một kim tuột ra, cả dãy những mũi mẹ đã đan buột ra chỏng chơ ngơ ngác. Con bậm bục giậm chân, lưng mỏi dại, cái cổ tưởng chừng cứng đờ. “Khó lắm, con không học đan nữa đâu!”
Nghĩ ngợi một lát, con cầm lại đôi kim. Mẹ kiên nhẫn: “Con nhìn này… thả lỏng sợi len ra, đừng siết chặt như vậy…” Bàn tay mẹ nắm lấy tay con, kiên trì giúp con khều từng mũi len đầu tiên. Thế… được rồi. Từng mũi, từng mũi… Hết một dòng, con thở phào, tạm nghỉ… Dòng nữa, rồi thêm một dòng nữa… Sau mấy ngày cặm cụi, thành phẩm của con là một mảnh len vuông, màu sắc đã đậm hơn bởi ngấm… mồ hôi tay.
Dần dà đôi kim đan đã ngoan ngoãn trong tay con, không còn rít lên khó chịu. Sợi len đã mềm mại giữ nguyên màu. Tay con đưa đều hơn, không còn mũi lỏng mũi chặt. Những lời rủ rỉ của mẹ trong những tối đan len…
… Ngày xưa, mùa đông miền Bắc lạnh giá, mẹ không nhớ đã đan bao nhiêu chiếc áo len. Đan áo cho bố mẹ, cho em trai, cho người thân... Cậu mặc chiếc áo len mẹ đan lên đơn vị, hãnh diện khoe áo chị đan, để rồi có người ước ao được mặc tấm áo len như vậy.
Mọi cô gái đều nên học và biết đan len, như là một cách để học yêu thương, nhẫn nại. Để gửi gắm, bày tỏ yêu thương. Người đan gắng đưa thêm từng mũi, từng mũi… Đan thêm một dòng, rồi lại một dòng… Thức khuya hơn một chút, một chút nữa… Để áo nhanh xong, để ấm thân và ấm lòng người mặc. |
Sợi len được rút từ ruột của búp len. Những người đan thành thạo không ai lấy ngay đầu sợi ở ngoài. Không nỡ để cuộn len cứ phải lăn lóc bao vòng, sợi len đành chịu phải rút ra từ ruột.
Nếu con sơ ý để tuột một mũi len? Chắc chắn con phải nhanh chóng níu nó lên bằng được. Không thể bỏ qua, bởi chỉ từ một mũi tuột ấy thôi, những mũi dưới không có gì nắm níu cũng sẽ buông ra, đến tận cùng. Sửa càng muộn thì càng khó khăn vất vả.
Nếu con đan lỗi và khi phát hiện ra vì ngại ngần mà tặc lưỡi bỏ qua? Cái mũi lỗi ấy cứ như chế giễu mỗi khi con nhìn chiếc áo. Con sẽ hối tiếc lắm vì công trình công phu thế không hoàn hảo chỉ vì một chút ngại ngần.
Nếu chẳng may len bị rối, con đừng nóng vội. Đừng rứt đứt sợi len tội nghiệp. Đừng bắt cuộn len phải luồn chui qua những mắt mối rối bòng bong. Vốn dĩ nó là có trước có sau, nền nếp. Hãy kiên nhẫn tìm đầu mối, nhẹ tay nới và gỡ, rồi sẽ ổn thôi. Cảm giác khi mình gỡ xong thích lắm đấy.
Sản phẩm đan tay có thể không đẹp, không đều bằng sản phẩm dệt bằng máy. Nhưng người mặc áo, choàng khăn sẽ thấy ấm áp hơn nhiều khi hình dung ra dáng người ngồi đan cặm cụi nhẫn nại. Sẽ thấy sao mà thương đến lạ. Bởi cảm nhận thấm thía mình được yêu thương đến nhường nào.
Rồi mẹ sẽ dạy con các “ngón” của nghề đan len. Các kiểu đan vô cùng phong phú và đẹp lắm. Học cách khâu chân kim dù không dễ. Học cách phối màu, cải hoa… Mẹ vẫn tâm niệm rằng người phụ nữ, dù tài hoa giỏi giang, phải có một cái nghề tay chân, để phòng thân, khi cần thiết có thể nuôi sống mình và gia đình. Biết đâu đấy, mọi chuyện đều có thể xảy ra…
Con nhận thấy cả một triết lý đẹp đẽ phong phú trong cái việc tưởng chừng là lao động đơn giản ấy…
(http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/358752/Dan-nhung-yeu-thuong.html )
tìm về mũi đan con rít, ai dè lại thấy bài này, ý nghĩa quá
ngày bé, cũng theo mẹ học đan, biết lấy mũi dòng đầu tiên rồi tậm tịt, mẹ bảo "để con học", áo len con mặc mẹ đan suốt những ngày hè,
những chiếc áo vẫn nằm yên trong tủ và sâu trong kí ức của con
mẹ đã không còn đan áo, mắt mẹ yếu nhiều,
chiếc khăn đầu tiên con đan dành tặng mẹ, mẹ bảo, mũi đan ổn và khăn ấm, hạnh phúc vì những điều nhỏ bé ấy, mẹ nhỉ
rồi con chuyển qua móc len, toàn đồ chơi, và những gì nho nhỏ cho cháu
cũng chẳng có sản phẩm đan nào to tát, bố thì vẫn "đòi" áo của bố
con tự hứa, mùa rét tới ....................
đan những yêu thương, cho con niềm hạnh phúc!